PHÒNG TRÁNH SAY NẮNG, SAY NÓNG

Vào mùa nắng nóng, ai cũng có thể bị say nắng, say nóng. Dù không men rượu nhưng mọi người vẫn có thể “ngất ngây” khi phơi mình dưới trời nắng gắt và ở trong một môi trường nóng như lò nung.

  1. * Mùa của nắng và nóng

          Mùa hè là mùa của nắng và nóng. Với những ai làm việc trong môi trường nắng nóng hoặc có sở thích lang thang trong nắng và trong gió thì nguy cơ say nắng và say nóng có thể xảy ra, nhất là ở các học sinh đang dịp nghỉ hè.

Việc “tắm” nắng, “tắm” nóng quá liều lượng, liên tục và kéo dài sẽ khiến cho cơ thể vượt quá mức chịu đựng và gục ngã.

          Hiện tượng “gục ngã” trong nắng, nóng gọi là say nắng, say nóng. Một… chút hiểu biết về bệnh lý say nắng, say nóng (còn gọi là trúng nắng, trúng nóng) sẽ giúp cho nhiều người làm “bảo bối” lận lưng để phòng thân hay đưa ra lời khuyên thích hợp cho người thân trong gia đình và những người xung quanh.

*Biểu hiện và bản chất của say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng là bệnh cảnh thường gặp đâu đó trong những ngày hè nóng bức. Khi nắng gắt ngập tràn khắp nơi, nhiệt độ không khí gia tăng, đi lâu, ngồi lâu, làm việc lâu ở ngoài trời thường dễ bị say nắng, say nóng. Tuy bối cảnh có thể khác nhau giữa say nắng và say nóng, nhưng bản chất, biểu hiện và cách xử trí cả hai chỉ là một. Do vậy, người ta thường gọi chung là say nắng, say nóng.

          Dưới góc nhìn y học thì say nắng, say nóng là một hội chứng mất nước, mất muối cấp tính do hiện tượng gia tăng thân nhiệt đột ngột. Lúc này cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể không còn kiểm soát nổi. Sự hấp thu nhiệt độ của mội trường nhanh hơn là sự thải nhiệt từ trong cơ thể ra ngoài. Điều này làm gia tăng nhiệt độ trong cơ thể. Đây chính là hậu quả tất yếu của hiện tượng thời tiết nóng khô, ngay đến cả gió cũng không mát nổi, nóng hầm hập, khó chịu. Ở đâu cũng nghe tiếng thở dài hay than vãn: Trời sao mà nóng thế! Trong các cơ quan, gia đình… máy điều hòa, máy quạt, quạt giấy, quạt mo… đang thi nhau chạy hết công suất.

Người bị say nắng, say nóng biểu hiện như là một hiện tượng nhiễm độc.  Sốt cao là dấu hiệu nổi bật và điển hình nhất của trường hợp bệnh lý này. Co giật là điều đáng sợ, do nhiệt độ cơ thể gia tăng quá cao (40 – 410 C) gây kích ứng hệ thần kinh trung ương.

Các biểu hiện thường gặp là nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai. Trạng thái tinh thần cũng bị kích động, bồn chồn, vật vã, lơ mơ, nói nhảm, mạch nhanh, huyết áp hạ.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể thấy nôn mửa và tiêu chảy. Điều này sẽ làm nặng thêm bệnh cảnh của sự mất nước, và thậm chí gây nên chết người!

Trong những đợt nắng nóng, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người già. Tất nhiên, người trẻ cũng không kém phần “điêu đứng” trong hoàn cảnh thời tiết đó. Ở những mùa hè trước, chúng ta cũng đã từng đọc báo chí, đọc web trên mạng internet hoặc nghe thông tin từ các đài phát thanh, truyền hình về chuyện chết hàng loạt người ở nước ngoài do thời tiết quá nắng và quá nóng.

  • Xử trí cấp cứu và các bài thuốc dân gian

 Nhanh hơn là ngay lập tức đưa người bị say nắng, say nóng thoát khỏi bối cảnh mà họ đang chịu đựng. Bóng râm của cây cối được xem như rất hữu hiệu cho các trường hợp này. Cũng cần lưu ý nới rộng quần áo cho dễ thở, quạt mát, lau mát, chườm mát. Trẻ nhỏ có thể cởi hết quần áo, ngâm mình vào nước mát. Những trường hợp cần thiết thì dùng thuốc hạ nhiệt thông thường, uống nhiều nước để chống mất nước. Chườm khăn tẩm nước đắp quanh cơ thể để gia tăng sự bốc hơi làm mát. Tất nhiên, những trường hợp quá nặng phải đưa người bị say nắng, say nóng đi cấp cứu để được theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Sau đây là một số bài thuốc dân gian “chuyên trị” say nắng, say nóng mà người viết sưu tầm được. Tùy điều kiện có trong tầm tay, mọi người có thể ứng dụng cho bản thân mình, cho người thân và cho những người xung quanh:

– Bài 1: Hai đoạn mía tươi ép hay giã vắt lấy nước cho uống. Nước mía vừa làm mát vừa tăng năng lượng cho cơ thể.

– Bài 2: Hai thìa bột sắn dây hòa với nước đun sôi để nguội, thêm một ít đường cho uống.

– Bài 3: Một miếng bí xanh, gọt vỏ, ép lấy nước, thêm chút muối làm “gia vị”, rồi cho uống.

– Bài 4: Một nắm lá sắn dây tươi và một nắm lá tre tươi rửa sạch, rảy ráo. Rồi giã vắt lấy nước cho uống.

***Lời khuyên phòng bệnh

Đề phòng say nắng say nóng bằng cách không ở lâu ngoài trời nắng nóng, nhất là những người mê lang thang trong nắng và trong gió các teen “mê” chinh phục nhau trên sân cỏ. Đi lại ngoài trời nắng cần có mũ hay nón rộng vành, dù che mát. Lao động cần có phương tiện che chắn bảo vệ. Thời gian nghỉ giải lao và nghỉ ngơi hợp lý.

Bên cạnh đó, không quên uống bù lượng nước mất của cơ thể do cái nắng nóng như nung gây ra. Nước chanh pha ít muối có thể là lựa chọn hàng đầu của nhiều người trong những ngày nắng nóng.

      Thạc sĩ Y học

MAI HỮU PHƯỚC