THẦY THUỐC CỦA BẠN

          1. Em xin hỏi thế nào là “nhược thị”? Cách chữa trị và phòng tránh “nhược thị” ra sao? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Em cảm ơn nhiều. (lehoabtr@… – Bến Tre).

          Nhược thị là tình trạng giảm thị lực do võng mạc không được kích thích bởi ánh sáng. Nhược thị có thể gặp ở một hoặc cả hai mắt mà các thầy thuốc nhãn khoa không thể tìm ra một thương tổn nào có thể nhìn thấy được ở mắt. Tần suất mắc bệnh nhược thị khá cao, khoảng 2-2,5% dân số. Nhược thị cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mù lòa trong cộng đồng.

          Nguyên nhân gây nhược thị thường thấy ở những người bị lác mắt, các bệnh mắt do khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị… và các bệnh sụp mi mắt bẩm sinh, đục thủy tinh thể hay sẹo giác mạc…

Điều trị nhược thị căn cứ từng trường hợp riêng biệt. Nếu do nhiều nguyên nhân phối hợp thì phải lần lượt giải quyết các nguyên nhân có liên quan. Cụ thể như có bệnh do khúc xạ thì phải điều chỉnh tật khúc xạ. Nhìn chung, nhược thị được phát hiện càng sớm, ở tuổi càng nhỏ thì khả  phục hồi thị lực càng cao. 

  • `Bịt mắt: Đây là phương pháp kinh điển, dễ làm nhưng rất hiệu quả trong điều trị bệnh nhược thị. Bịt con mắt nhìn rõ hơn và tập nhìn bằng con mắt… kém! Nếu nhược thị cả hai mắt thì thay nhau…bịt lại để tập nhìn.
  • Dùng thuốc: Đi khám tại các bệnh viện mắt, thầy thuốc nhãn khoa sẽ kê đơn dùng một số loại thuốc nhỏ mắt, kết hợp với thuốc uống. Lưu ý không ên dung thuốc mà không có sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc sau khi ngưng sử dụng không được duy trì lâu dài.

Ngoài ra còn có các phương pháp khác để điều trị nhược thị như: Phương pháp kích thích thị giác, phương pháp phục thị… thậm chí là phần mềm vi tính điều trị nhược thị.       

          2. Tôi bị đau vùng bụng, đau quặn thành cơn và đi cầu phân lỏng vài lần phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ cho làm siêu âm với kết quả gan bị nhiễm mỡ. Rất mong bác sĩ tư vấn về bệnh gân nhiễm mỡ, hướng điều trị và phòng tránh bệnh này. Chân thành cảm ơn trước. (Võ Công H. – Hải Phòng).

          Bệnh gan nhiễm mỡ chỉ là kết quả “tình cờ” khi siêu âm vùng bụng của bạn mà thôi! Đau vùng bụng, trội lên thành cơn và đi cầu phân lỏng nhiều lần chắc chắn là bệnh lý khác của đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa hoặc viêm đại tràng… Dưới đây chỉ xin trao đổi với bạn về bệnh gan nhiễm mỡ.

            Bệnh gan nhiễm mỡ (Steatosis) hay còn gọi là gan thoái hóa mỡ có liên quan chặt chẽ đến hội chứng biến dưỡng. Sự rối loạn này làm ảnh hưởng đến sự phân hóa các chất trong gan, khiến cho một lượng mỡ đáng kể tích tụ lại trong gan (> 5%/ trọng lượng của gan). Điều này làm cho gan gia tăng kích thước một cách “tế nhị”. Các yếu tố nguy cơ khiến cho gan dễ bị nhiễm mỡ bao gồm mắc chứng béo phì, tiểu đường, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, dùng các loại thuốc có hại cho gan. Những người ăn thừa năng lượng và nhiều chất béo hoặc những người ăn uống kham khổ quá ít chất đạm dễ có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.

            Các dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ rất nghèo nàn. Thường là không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu. Đến một lúc nào đó bệnh nhân có thể thường xuyên than phiền mệt mỏi, nặng bụng và gan lớn. Tuy là hiếm gặp nhưng có những trường hợp bệnh gan nhiễm mỡ gây ra vàng da, buồn nôn và nôn. Bệnh gan nhiễm mỡ nói chung không nguy hiểm và không chuyển thành ung thư gan. Tuy nhiên có một số trường hợp sẽ dẫn đến xơ gan (có thống kê cho rằng tỉ lệ này khoảng < 20%).

  Đa phần bệnh gan nhiễm mỡ không phải là bệnh lý tại gan mà là sự tích lũy mỡ trong gan do các yếu tố nguy cơ nói trên. Do đó, việc điều trị “nhắm” vào các yếu tố nguy cơ được cho là nguyên nhân cơ bản gây ra mỡ trong gan như: Ăn uống hợp lý, thể dục thể thao và vận động nhiều để giảm cân, ngưng uống bia rượu , tránh các thuốc và hóa chất độc hại cho gan, điều trị tốt bệnh tiểu đường và viêm gan siêu vi. Cần tránh các thức ăn gây thừa năng lượng như ăn nhiều mỡ động vật, não và gan động vật, bơ, lòng đỏ trứng.

*** Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ:  Chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, tăng cường sự vận động, nhất là thể dục thể thao rèn luyện thân thể, hạn chế tối đa bia rượu, sử dụng các loại thuốc chữa bệnh đúng chỉ định. Kiểm tra định kỳ sức khỏe cá nhân, tốt nhất mỗi 6 tháng, làm các xét nghiệm về cholesterol, đường máu và mỡ máu (triglyceride).

          3. Người nhà tôi mắc bệnh thiếu máu. Đi khám ở phòng mạch tư bác sĩ khuyên nhập viện để được truyền máu. Tôi nghe nói việc truyền máu cũng gây ra nhiều tai biến. Đó là những tai biến nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp cho. Cảm ơn. (Trần Thị Như A.– Quảng Bình).

          Chúng ta ai cũng biết rằng máu là một loại chất lỏng đặc biệt, mà đến nay con người chưa thể chế tạo ra được. Trong cơ thể con người, máu di chuyển liên tục với một lượng nhất định, mang tính ổn định. Ở một người trưởng thành có khoảng 4 lít máu. Nếu lượng máu mất ít, cơ thể tự điều chỉnh để đảm bảo sự tuần hoàn. Nhưng khi lượng máu mất nhiều cần phải được truyền bù trở lại kịp thời mới đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan.

Do máu, không mang tính thuần khiết, nói khác hơn là máu thuộc nhiều nhóm khác nhau, bên cạnh đó máu còn mang vô số những kháng nguyên kháng thể khác, thậm chí là mang luôn cả vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh. Nên việc truyền máu luôn rình rập một nguy cơ tai biến nào đó.

Vì các lý do nói trên, chỉ định truyền máu là một chỉ định nghiêm ngặt về mặt chuyên môn, thường chỉ được thực hiện ở tại các bệnh viện lớn, nơi có “ngân hàng” dự trữ máu. Việc truyền máu được thực hiện theo những nguyên tắc chuyên môn bắt buột với các nhân viên có liên quan chịu trách nhiệm cụ thể nhằm hạn chế tối đa các tai biến do sự truyền máu gây ra. Sau đây là các tai biến có thể gặp do truyền máu:

– Tai biến do yếu tố miễn dịch: Truyền nhầm nhóm máu, nghĩa là đưa các dị nguyên (vật lạ) vào cơ thể gây ra phản ứng dị ứng và sốc.

– Tai biến do máu bị nhiễm khuẩn: Làm lây lan các bệnh viêm gan siêu vi, HIV/AIDS, ký sinh trùng sốt rét.

– Các tai biến khác: Nhiễm độc do các yếu tố chống đông, quá tải tuần hoàn do truyền với tốc độ nhanh hay khi lượng “cung” vượt quá lượng “cầu”.

Tai biến do truyền máu tùy trường hợp mà phản ứng chết người ngay lập tức, hoặc chỉ có phản ứng dị ứng muộn hay phát hiện ra bệnh mới được “quy tội” là do truyền máu gây ra.

                                                                 Thạc sĩ Y học

MAI HỮU PHƯỚC

Bài viết liên quan